Junko Tabei (1939 – 2016) từng dành cả đời để theo đuổi đam mê chinh phục những đỉnh cao. Vượt lên định kiến của xã hội Nhật Bản truyền thống, Tabei thành lập Câu lạc bộ leo núi của những quý cô (LCC) đầu tiên tại Nhật Bản vào năm 1969. Bà tiết lộ câu lạc bộ này được thành lập bởi thời đó nhiều người đàn ông từ chối leo núi cùng bà, không ít người cho rằng Tabei chỉ thích leo núi để kiếm chồng.
Câu lạc bộ LCC có một đội mang tên Cuộc thám hiểm Everest của Phụ nữ Nhật Bản (JWEE), đứng đầu là Eiko Hisano. JWEE có 15 thành viên, chủ yếu là phụ nữ, gồm những giáo viên, lập trình viên máy tính… Hai trong số đó, gồm Tabei, đã làm mẹ. Sau khi Tabei leo lên đỉnh Annapurna III (7.555 m) tại Nepal vào năm 1970, LCC quyết định chinh phục đỉnh Everest.
Qua hàng năm trời chuẩn bị cho chuyến đi để đời, Tabei nỗ lực đi tìm nhà tài trợ cho chuyến thám hiểm. “Khi yêu cầu hỗ trợ tài chính cho chuyến thám hiểm, nhiều lần tôi nghe người ta nói tại sao cô không ở nhà chăm con”, Tabei hồi tưởng trong cuộc phỏng vấn hồi 2003.
Tới phút cuối, tờ báo Yomiuri Shimbun và đài truyền hình Nippon đồng ý hỗ trợ LCC. Tuy vậy, toàn bộ thành viên vẫn phải trả một số tiền tương đương với mức lương cơ bản của cư dân xứ sở mặt trời mọc thời ấy. Để dành dụm, những thành viên trong công lạc bộ leo núi phải lấy vỏ ghế ôtô cũ khâu thành túi chống nước và găng tay, mua lông ngỗng từ Trung Quốc để may túi ngủ. Học sinh trong trường của Tabei còn quyên góp những gói mứt chưa dùng cho các cô giáo.
Sau quá trình luyện tập dài hơi, LCC bắt đầu hành trình vào đầu năm 1975. Tabei để con gái 3 tuổi ở nhà với chồng tại vùng ngoại ô Tokyo, lên đường tới Kathmandu (Nepal) chinh phục dãy Himalaya. Bà không quên vẽ một tấm thiệp hình bánh gatô để mừng con gái lên 3, và gửi về nhà từ trạm dừng chân.
Những người phụ nữ của LCC đi theo cung đường của Edmund Hillary và Tenzing Norgay từng leo vào năm 1953. Ngày 4/5/1975, một trận lở tuyết ập xuống từ độ cao 6.400 m khi cả đội đang ngủ trong lều. Tabei và những người khác bị vùi trong tuyết. Tabei bất tỉnh trong khoảng 6 phút, trước khi một Sherpa lôi bà ra ngoài an toàn.
“Ngay khi biết mình còn sống, tôi càng quyết tâm tiếp tục”, Tabei trả lời phỏng vấn năm 1996. Song lúc này những nam phóng viên nam đi cùng đoàn muốn quay về. “Có rất nhiều rắc rối khi leo núi cùng những người đàn ông này. Tôi phải nói rằng tôi là trưởng đoàn, tôi quyết định điều đó, ngay cả khi họ là nhà tài trợ. Tôi chỉ muốn tập trung leo núi, nhưng còn phải lo lắng tới những vấn đề khác. Kể từ đó, tôi không kêu gọi tài trợ, như vậy vui vẻ hơn nhiều”, Tabei chia sẻ năm 1991.
Bất chấp những cơn đau lưng và chân, người phụ nữ chưa tròn 35 tuổi, cao 1m47 này đã đặt chân lên đỉnh Everest cao 8.848 m vào ngày 16/5/1975, dù có lúc Tabei phải bò trên đường. Tabei ở trên nóc nhà của thế giới trong 50 phút, trước khi xuống núi – hành trình này cũng lắm gian truân như khi leo lên.
22 năm sau khi hai nhà leo núi đầu tiên chinh phục chinh phục được Everest, Tabei trở thành người phụ nữ đầu tiên vượt qua thử thách chạm tới nơi cao nhất trên Trái Đất.
Tabei tiếp tục những chuyến leo núi khắp thế giới trong nhiều thập niên sau, dù lúc đứng trên đỉnh Everest bà từng nghĩ: “Ồ, mình sẽ chẳng phải leo núi nữa”. Năm 1980, Tabei leo lên đỉnh Kilimanjaro ở Tanzania, ngọn núi cao nhất châu Phi. Bà tiếp tục chinh phục đỉnh Aconcagua gần 7.000 m, cao nhất Nam Mỹ ở Argentina vào 1987, một năm sau đó là núi McKinley (nay là Denali, hơn 6.100 m, cao nhất Bắc Mỹ) ở Alaska, và đỉnh cao nhất châu Âu Elbrus ở Nga vào năm 1989.
Năm 1991, bà leo lên đỉnh Vinson Massif của Nam Cực, sau đó hoàn thành chinh phục 7 ngọn núi cao nhất của 7 lục địa vào năm 1992. Năm 1994, Tabei đã lắp đặt lò đốt rác tại trạm nghỉ trên Everest để tiêu thụ chất thải do những người leo núi để lại. Bà nhận bằng thạc sĩ về văn hóa xã hội vào năm 2000 từ Đại học Kyushu với nghiên cứu tác động của rác thải do những người leo Everest để lại.
“Những cơn gió không bao giờ êm dịu hơn chỉ vì những người phụ nữ đang leo núi. Điều kiện tự nhiên luôn giống nhau với mọi người”, Tabei nói vào năm 2003. Ở tuổi 76, Tabei đã chinh phục những đỉnh núi cao nhất của 76 quốc gia trên thế giới. Một năm sau, bà qua đời vào ngày 20/10 tại bệnh viện gần Tokyo vì ung thư dạ dày.
“Cuộc sống không kéo dài mãi mãi. Tôi không nghĩ mọi người nên để lại trên đời của cải hay một thứ gì. Khi chết đi, tôi muốn nhìn lại và biết rằng mình đã sống một cuộc đời thật tuyệt” – đó là câu nói của Tabei vào năm 1991.
Junko Tabei sinh năm 1939 trong một gia đình có 7 người con ở tỉnh Fukushima. Thuở nhỏ, Tabei được xem là một đứa trẻ yếu ớt, nhưng bắt đầu leo núi từ năm 10 tuổi. Bà tốt nghiệp năm 1962 tại Đại học Nữ sinh Showa của Tokyo, chuyên ngành văn học Anh. Bà gặp chồng mình, Masanobu Tabei, khi đang leo lên một ngọn núi của Nhật Bản vào năm 1965. Họ kết hôn một năm sau và có hai đứa con, một trai một gái.
Bảo Ngọc (Theo Washington Post)